Scroll to Top
Sự tụt hậu của đường sắt Việt Nam
746 views

Theo báo tin tức hàng ngày, Xây dựng từ năm 1881, đến nay đường sắt Việt Nam không có km cao tốc hay đường đôi nào, thị phần chỉ chiếm 1,9% trong toàn ngành giao thông.
Tụt hậu và yếu kém

Thảo luận tại Quốc hội về Luật Đường sắt (sửa đổi) sáng 18/11, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đánh giá, hệ thống đường sắt Việt Nam đang tụt hậu và yếu kém.
Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội nêu thực tế: Sau hơn 130 năm phát triển, hiện đường sắt Việt Nam vẫn cơ bản là thế hệ công nghệ thứ 2 với hơn 3.100km đường đơn khổ 1m từ thời Pháp, đầu máy diezen tốc độ trung bình thấp, trong khi công nghệ đường sắt thế giới đang ở thế hệ thứ 4 với khổ ray đôi 1,435m, đệm từ trường, đầu máy điện tốc độ cao và chuẩn bị tiến sang thế hệ thứ 5.

Theo nhận định của ông Thường, yếu kém của ngành đường sắt thể hiện bởi công nghệ điều hành thủ công, lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối, hầu như không kết nối với các đầu mối giao thông, cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Năng lực kinh doanh yếu, tư duy bao cấp, chất lượng dịch vụ kém, doanh thu sản lượng và thị phần vận chuyển ngành đường sắt suy giảm nghiêm trọng.
Đường sắt nhiều “đồ cổ”

Một số ý kiến đề xuất, dự án luật phải được xây dựng trên tinh thần phát huy những ưu điểm của Luật Đường sắt 2005, bổ sung thay thế các nội dung không phù hợp, cản trở và gây hạn chế sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển của đường sắt các nước trên thế giới có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Đồng thời tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải.

Tại phiên họp, các ý kiến đều đánh giá giao thông đường sắt là cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đường sắt Việt Nam không phải là câu chuyện mới mà đã được nhiều người nhắc đến từ lâu, nhưng khi nhắc đến thì lúc nào cũng mang tính thời sự. Tuy nhiên lâu nay thực trạng đường sắt chỉ thực sự nhận được sự quan tâm của dư luận khi có sự cố xảy ra.
Nếu như trước đây, khi có việc phải đi xa, người ta thường ưu tiên chọn lựa phương tiện tàu hỏa thì thói quen đó giờ đây đã không còn phổ biến. Điều này cũng dễ hiểu vì những năm trước, hầu hết các phương tiện vận chuyển hành khách phổ biến như tàu, xe đều có chất lượng kém như nhau, người ta chọn tàu hỏa chỉ vì tính an toàn.
Thụt lùi so với trước
Trong khi hiện nay, chất lượng của các phương tiện xe khách đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực từ loại phương tiện, dịch vụ kèm theo đến cung cách phục vụ, … thì ngược lại, chất lượng tàu hỏa và những dịch vụ đi kèm dường như vẫn không thay đổi, thậm chí còn thụt lùi so với trước.
Nếu xe khách chất lượng cao hiện nay đa phần được trang bị điều hòa không khí suốt tuyến, ghế ngồi rộng rãi, xe chạy đúng tốc độ quy định, an toàn, bao ăn, nước uống miễn phí, cung cách phục vụ chu đáo, thân thiện… thì những thứ vừa nêu đối với đường sắt dường như vẫn còn là thứ xa xỉ mà còn lâu hành khách mới có được.
Có trực tiếp đi lại bằng tàu hỏa, mới thấy hết cảnh nhếch nhát, tệ hại, khủng khiếp của tình trạng đường sắt hiện nay. Nào là chỗ ngồi chật như nêm, bán hàng rong lên xuống toa tàu như đi giữa chợ. Hành khách đứng nằm la liệt trên toa, xe bán hàng lưu động của tàu kéo qua, kéo lại không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Tình trạng người say xỉn, chơi ngay trên toa tàu thường xuyên diễn ra. Thái độ phục vụ đanh đá, vô văn hóa của nhân viên trên tàu.

"Các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn đáng tin cậy và nên chỉ sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo chính xác, không được lạm dụng để vi phạm các quy định pháp luật."